Một cán bộ trung tâm kể với chúng tôi rằng, chiếc hồ lớn này do những bệnh nhân phong còn lành lặn đã tự tay mình đào lên từ những năm 1970 – 1980. Ở giữa hồ họ dựng tượng thần y Tuệ Tĩnh như một khát vọng, một giấc mơ được chữa lành…
Liệu có nơi nào khác ở Việt Nam tồn tại cả chùa thờ Phật, nhà thờ Chúa và tượng thờ thần y Tuệ Tĩnh trong cùng một không gian không nhỉ? Chúng tôi tự hỏi mình câu hỏi đó nhưng không thể trả lời được, chỉ biết rằng chắc chắn điều này có ở Khu điều trị bệnh nhân phong xã Hoàng Tiến, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đến đây, chúng tôi đã bị ngợp trong cảm giác hết sức nặng nề khi chứng kiến những cuộc đời quá đỗi khổ đau của những bệnh nhân phong.
Sinh năm 1966, ông Thiều Quang Tiềm đã có mặt tại đây từ năm 1980 cho đến tận ngày nay. Khoảng cuối những năm 1970, khắp người ông xuất hiện những mảng trắng, cơ thể không còn cảm giác nóng lạnh, không còn biết đau, ông suy sụp tinh thần, cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa, bởi từ xưa bệnh phong đã là một trong những bệnh nan y không cách nào chữa được.
Ở đây được 6 năm, ông gặp bà Đỗ Thị Tựa sinh cùng năm, cùng cảnh ngộ vào chữa bệnh, hai người tổ chức một lễ ra mắt hai gia đình đơn giản rồi về ở với nhau, thành vợ thành chồng. Năm 1990, ông bà sinh được đứa con trai đầu lòng, cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh. Hồi còn nhỏ, cậu bị bạn bè kỳ thị hắt hủi, khi lớn lên điều đó mới bớt đi. Giờ cậu đã học xong lớp 12, học xong một lớp cao đẳng và trở thành một người lao động phổ thông.
Ông Thiều Quang Tiềm hiện là Chủ tịch Hội đồng tự quản khu bệnh nhân phong Hoàng Tiến. Ông cho biết, bệnh phong đã được chữa khỏi, nhưng di chứng bệnh tật như mất tay, mất chân, mất mắt… thì không có cách nào bù lại được. Bệnh không còn, nhưng “tật” còn! Hàng tháng Nhà nước hỗ trợ mỗi người bệnh 700.000 tiền ăn, ngoài ra mỗi năm còn được cấp phát 1 bộ quần áo, chiếu, xà phòng và một vài số điện.
Khu vực này hiện có 135 người bệnh, số bệnh nhân tìm đến nương tựa vào nhau thành vợ thành chồng là hơn 40 hộ. Người khỏe thì có thể nuôi thêm được vài con gia cầm, nhận trông khoán vài gốc vải, thế thôi; người bệnh nặng đến mức vi trùng “ăn” cụt cả chân, mù cả mắt thì phải có hộ lý chăm sóc. Nhiều người vào đây khi mới 20 tuổi đầu và ở lại tới 40-50 năm sau, đến khi mất đi thì được an táng ở nghĩa trang riêng có tên là Nhân Ái nằm phía sau trại, nếu gia đình không đến đón di hài về quê cũ.
Người của trại phong Hoàng Tiến chủ yếu xuất thân từ hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, số còn lại đến từ hàng chục tỉnh, thành khác. Mỗi năm, trại phong Hoàng Tiến đón trung bình 30 – 40 đoàn khách đến thăm, nhận số tiền mặt hảo tâm từ tấm lòng của mọi người khoảng 100 triệu đồng và cũng chừng đó hàng hóa từ thiện. Nơi này nhiều năm nay không có trộm cắp viếng thăm, đơn giản là vì mọi người quá đỗi nghèo khổ, nhiều gia đình đồ đạc và mọi thứ có trong nhà đã cũ đến nỗi như có từ thế kỷ trước.
Người bệnh tật nặng và già cả dựa vào các hộ lý. Dù công việc vất vả, nặng nhọc nhưng thu nhập của mỗi hộ lý chưa đến 2 triệu đồng mỗi tháng. Khi chúng tôi đến là buổi sáng nhưng chiếc đồng hồ trên tường đã đứng kim không rõ tự bao giờ.
Cụ Phạm Văn Kéo, 80 tuổi, nhập viện cách đây 30 năm. Cụ lấy vợ cũng là bệnh nhân tại đây nhưng cụ bà đã qua đời 10 năm trước. Đối với nhiều người cao tuổi mắc bệnh phong, chiếc đài là vật dụng quan trọng, vừa là bè bạn, vừa để đưa các cụ chìm vào trong giấc ngủ.
Ở nơi này, thời gian như ngừng lại!
Tin cùng chuyên mục:
Danh sách người hành nghề tại bệnh viện Phong Chí Linh
Quyết định công bố công khai thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024
Quyết định công bố công khai số liệu Quyết toán năm 2023 của Bệnh viện Phong Chí Linh
Nhân ngày Thương binh liệt sĩ (27/7). Ngày 23/7/2024 Bệnh viện Phong Chí Linh tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 150 đối tượng là diện chính sách của Phường Hoàng Tiến, Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương