Bệnh viện phong, điểm sáng về tinh thần y đức

Đã thành thông lệ, hàng ngày các cán bộ y tế bệnh viện Phong lại tất bật với công việc chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân đã từng gắn bó hàng chục năm với bệnh viện. Bệnh nhân ở bệnh viện Phong hết sức đặc biệt, hầu hết là bệnh nhân cao tuổi, sức khỏe suy yếu, mắt mờ, chân tay không còn do bị viêm xương phải cắt bỏ. Mọi sinh hoạt từ ăn, uống, vệ sinh cá nhân và sinh hoạt bên ngoài đều do cán bộ y tế bệnh viện phục vụ. Những bệnh nhân đầu tiên đến với bệnh viện và những bệnh nhân mới đến hầu hết đều không có người thân chăm sóc, họ sống chan hòa gần gũi nhau tạo thành một làng phong ở đất Hoàng Tiến- Chí Linh. Tại đây có khoảng gần 40 hộ sinh sống và một điều chung là họ đều bị mắc bệnh phong, một thời gian người dân từng xa lánh coi là bệnh hủi dễ lây lan. Theo thống kê của ngành y tế, toàn tỉnh có 350 bệnh nhân mắc bệnh phong, trong đó bệnh viện Phong tiếp nhận và điều trị cho 135 bệnh nhân, số còn lại được quản lý và điều trị tại cộng đồng. Mỗi năm tại bệnh viện Phong, các cán bộ bệnh viện phải lo hậu sự cho khoảng 10 bệnh nhân và cũng có hàng chục bệnh nhân mới được tiếp nhận vào bệnh viện.

 Ông Lưu Văn Trác ở Lạc Long, Kinh Môn đã gắn bó với bệnh viện 18 năm. Ở tuổi 84 ông vẫn nhớ như in những ngày đầu mình không may bị mắc bệnh, sự xa lánh của cộng đồng xã hội và thậm chí người vợ cũng bỏ ông biền biệt vì sự kỳ thị và hiểu không đúng của căn bệnh này. Ông Trác nhớ lại: Lúc đó ông chỉ muốn chết ngay, giận mình, giận vợ, ông đốt hết tất cả mọi giấy tờ tùy thân, quần áo và duy nhất vật dụng ông để lại và mang trong mình là quyển di chúc của Bác. Sau 4 năm điều trị tại bệnh viện Phong, một chân trái của ông phải cắt bỏ và từ đó sức khỏe của ông đã tiến triển tốt. Với ông Trác, cũng như nhiều bệnh nhân khác, bệnh viện sẽ là nơi ông sống và gửi gắm, phó thác sức khỏe những ngày tháng còn lại của tuổi già. Ông Trác tâm sự: Ở đây các cán bộ y tế chăm sóc ông và mọi người như chính người thân của gia đình, họ chăm sóc từng ly, từng tý và không chê được…

Chăm sóc bệnh nhân tại khu điều trị

Các bác sỹ cho biết, sự xa lánh và kỳ thị người bệnh là do thân nhân và cộng đồng xã hội chưa thực sự hiểu biết về căn nguyên của bệnh. Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn Mycobacterium leprae gây lên và rất khó lây. Bệnh tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tàn tật nặng nề. Chính những tàn tật này làm cho người ta sợ hãi và xa lánh người bệnh. Hình ảnh lâm sàng của bệnh phong rất đa dạng, phong phú biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên là hay gặp nhất như tổn thương da gây mất cảm giác, tổn thương thần kinh ngoại biên, các dây thần kinh ngoại biên viêm to, mất cảm giác nóng, lạnh, đau nếu không điều trị kịp thời có thể gây tàn tật như: cò ngón tay, ngón chân, bàn chân rủ, hở mi… Một số triệu chứng khác: Ngoài biểu hiện ở da và thần kinh ngoại biên, có thể gặp một số triệu chứng khác như: Rối loạn bài tiết (da khô, bóng mỡ), rối loạn dinh dưỡng (rụng lông mày, loét ổ gà…), viêm mũi, viêm thanh quản… Một người được coi là bị bệnh phong khi có ít nhất một trong ba dấu hiệu sau: Thương tổn da kèm theo mất cảm giác, thương tổn thần kinh có biểu hiện tàn tật: Dây thần kinh to, mất cảm giác, cò ngón hoặc teo cơ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, 78 tuổi đang điều trị tại bệnh viện Phong là một trường hợp nặng và điển hình. Sau khi điều trị tại các bệnh viện Văn Môn, Quỳnh Lập (Nghệ An), năm 1998 bà được thu dung điều trị tại bệnh viện Phong. Bà Thanh cho biết, ban đầu thấy tê tê ở cạnh sườn, vết loang trắng, đi viện khám và xét nghiệm chẩn đoán bà bị phong. Một thời gian ngắn sau xuất hiện các hiện tượng cụt rụt bàn tay, viêm ổ loét và buộc phải cắt bỏ chân trái. Mới đây, các ổ loét tại chân phải của bà tiếp tục xuất hiện, gây viêm xương, sau hội chẩn các bác sỹ phải cắt bỏ chân phải của bà.

Đây là 2 trong số hàng trăm bệnh nhân Phong đang điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân ở bệnh viện hầu hết là cao tuổi, có những người tới 96 tuổi, những bệnh nhân còn lại trung bình ở độ tuổi trên 70. Hầu hết bệnh nhân sức khỏe yếu, chân tay bị tháo cụt, những sinh hoạt thường ngày rất khó khăn. Bệnh nhân ở đây được chu cấp 100%, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đều do điều dưỡng và hộ lý bệnh viện giúp đỡ. Toàn bệnh viện Phong có 33 biên chế chính thức và 13 hợp đồng 68, trung bình mỗi cán bộ bác sỹ và điều dưỡng phải chăm sóc 4 bệnh nhân. Do bệnh nhân cao tuổi những bức xúc vô cớ, chửi mắng, đòi yêu sách, giận dỗi đối với cán bộ y tế bệnh viện là chuyện thường ngày. Khó khăn là vậy song với sự yêu nghề và tinh thần phục vụ người bệnh của nhân viên y tế bệnh viện rất đáng khâm phục. Điều dưỡng Trần Thị Hiển, Phó trưởng khoa dinh dưỡng đã từng gắn bó với bệnh viện hơn 10 năm. Chị Hiển được học về bệnh phong khi ngồi trên ghế nhà trường, thấy được những di chứng nguy hiểm từ bệnh phong để lại cho bệnh nhân, với sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, yêu người bệnh, muốn giúp đỡ họ vơi bớt những mặc cảm và khó khăn ở quãng đời còn lại nên chị có xu hướng về bệnh viện Phong công tác. Làm việc tại bệnh viện, được chứng kiến những người bệnh bị di chứng nặng nề, giúp đỡ bệnh nhân đó là niềm vui lớn nhất của chị.

Bác sỹ chuyên khoa 1 Nguyễn Quang Cương, Giám đốc bệnh viện Phong Chí Linh cho biết, bệnh viện Phong là bệnh viện đặc thù nên tinh thần y đức và quy tắc ứng xử học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ số một. Bệnh viện xây dựng quy tắc rõ ràng đối với cán bộ viên chức bệnh viện là phải yêu nghề, phải thương yêu người bệnh thực sự, coi họ như thân nhân, không được tự ty và mặc cảm cũng như kỳ thị trong khi đối xử, chăm sóc họ. Hàng quý, bệnh viện đều bình chọn từ 10 đến 15 cán bộ làm tốt kỹ năng ứng xử với người bệnh và có khen thưởng kịp thời. Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, một trong những yếu tố then chốt là phải xây dựng tình yêu nghề gắn bó với bệnh viện. Với những cán bộ biên chế mức lương ổn định đỡ khó khăn, nhưng với những hợp đồng 68 rất khó khăn về chế độ hỗ trợ cũng như đồng lương lĩnh được cũng khiêm tốn. Ban lãnh đạo luôn động viên và quan tâm chia sẻ khó khăn kịp thời với cán bộ để họ thêm yêu nghề sẵn sàng phục vụ người bệnh. Cùng với việc xây dựng tác phong chuyên môn, nội bộ đơn vị luôn phải đoàn kết chung sức chung lòng thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.100% cán bộ Đảng viên và quần chúng phải ý thức cao việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời nêu cao vai trò về quy tắc ứng xử của cán bộ y tế. Về chuyên môn, giữ vững và thực hiện tốt các quy chế điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Chia tay bệnh viện Phong Chí Linh, một cơ sở y tế nằm cách xa trung tâm thành phố nhất, điều ấn tượng và đọng lại là tình yêu nghề, yêu người bệnh của cán bộ viên chức bệnh viện. Họ xứng đáng là những tấm gương về y đức “Lương y như từ mẫu”. Họ cống hiến và hết mình vì người bệnh và sự nhận lại đơn thuần chỉ là tình cảm và sự quý trọng, niềm tin của người bệnh với người thầy thuốc.

 Đức Thành- Xuân Trọng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02203 590 007